Chuyện kể
rằng, một buổi sáng, ông bố thức dậy, làm 2 bát mỳ trứng, một bát trên
mặt có trứng và 1 bát trên mặt không có trứng. Đặt ngay ngắn 2 bát mỳ
trên bàn, ông hỏi cậu con trai: “Con muốn ăn bát nào?”
-Bát có trứng ạ! – cậu bé nhanh nhảu chỉ
-Nhường bố đi! Khổng Dung 7 tuổi đã biết nhường lê, con 10 tuổi rồi.
-Khổng Dung là Khổng Dung, con là con - Cậu bé cương quyết không nhường bố và với lấy bát mỳ có trứng.
-Không nhường thật à? Ông bố tiếp tục dò hỏi
-Không ạ! Cậu bé lặp lại và đưa miếng trứng lên cắn 1 nửa, ngầm thể hiện bát mỳ này đã thuộc về cậu.
-Con không hối hận chứ? Ông bố vẫn cố vớt vát
-Không ạ! Cậu bé tiếp tục ăn luôn nửa miếng trứng còn lại.
Người
bố lặng lẽ kéo bát mỳ còn lại về phía mình, bắt đầu ăn. Và chỉ một lúc
sau, lớp mỳ phía trên được ông ăn hết, lộ ra phía dưới đáy có 2 quả
trứng. Cậu bé cũng nhìn thấy điều đó. Ông chỉ vào bát mỳ của mình và nói
với con:
“Ghi nhớ: Người tham lam muốn chiếm phần lợi cho mình sẽ không bao giờ nhận được lợi lớn”.
Bẵng
đi ít lâu, một sáng nọ người bố lại làm 2 bát mỳ trứng, cũng là 1 bát
trên mặt có trứng và 1 bát không. Ông bố lại hỏi cậu con trai
-Con ăn bát nào?
-Nhường bố bát có trứng ạ. Con lớn rồi, con kính bố!
-Không hối hận chứ? Ông bố hỏi lại cậu con
-Không
ạ! Cậu bé kiên quyết trả lời và với lấy bát mỳ không trứng lại ăn.
Nhưng ăn hết bát mỳ vẫn không thấy quả trứng nào, còn người bố vẫn điềm
nhiên ăn bát mỳ có trứng của mình. Ngoài cái trứng trên mặt, còn thêm 1
quả dưới đáy bát. Ông chỉ vào quả trứng nói với cậu con trai
-“Ghi nhớ: Người muốn chiếm lợi ích có thể sẽ phải chịu thiệt thòi!”
Lần
thứ 3, người bố lại như thường lệ làm 2 bát mỳ, vẫn là 1 bát trên có
trứng và 1 bát không. Ông lại hỏi cậu con trai: “Ăn bát nào vậy con?”
-Khổng Dung nhường lê, nhỉ tử nhường diện. Con nhường bố, bố chọn trước đi ạ!
-Vậy
bố không khách sáo nhé! Ông nói và với tay chọn bát mỳ có trứng về phía
mình. Cậu bé nét mặt điềm tĩnh, với tay lấy bát còn lại và ăn. Chỉ mấy
thìa, cậu phát hiện ra dưới đáy bát mình cũng có trứng. Người bố lại
quay sang con mà nói:
“Ghi nhớ: Người không tham lam chiếm lợi ích về mình, cuộc sống sẽ không để họ chịu thiệt thòi”.
--------------------
Câu
chuyện về bố con và những bài học từ bát mỳ, hay câu chuyện về người bố
với cậu con trai khi đi qua hàng kem đều là những bài học đắt giá mà
chúng ta nên ghi nhớ.
Câu chuyện về cây kem được kể lại rằng, ông
bố và cậu con trai nhỏ của mình ngày nào cũng đi qua góc đường, nơi có 1
cửa hàng kem hoa quả rất ngon. Và hầu như ngày nắng nóng nào ông bố
cũng ghé lại, đưa tiền để cậu bé chạy ù vào mua 2 cây kem cho cả 2 bố
con. Đây là sở thích của cả 2 bố con. Sau đó cả 2 sẽ rất vui vẻ thưởng
thức cây kem, chuyện trò trên suốt đường về nhà.
Một ngày cuối
tuần nọ, đi qua cửa hàng kem, bỗng dưng ông bố hỏi cậu con: “Hôm nay con
có thể chiêu đãi bố 1 cây kem không? Bố không mang theo tiền”. Cậu
bé đưa tay sờ vào túi quần, trong đó có 10 xu của cậu, món tiền đủ mua
được 2 cây kem. Nhưng đây cũng là số tiền cậu tiết kiệm suốt tuần qua.
Bỗng thấy tiếc nuối, cậu quay sang ông bố và nói: “Hôm nay con không
muốn ăn kem bố ạ! Chúng ta về nhà nhé”. Ông bố im lặng nhìn sang
cậu con trai nhưng cũng chạy xe về. Xe bố vừa rời đi, cậu bé cũng đã bắt
đầu hối hận, cậu nghĩ tới viễn cảnh bố cầm cây kem do mình mời, vui vẻ
chuyện trò. Cậu đã thực sự thấy hối hận lắm rồi.
Chiều hôm sau, lúc gần về qua cửa hàng kem, cậu bé chủ động quay sang bố: “Hôm nay mình ăn kem bố nhé! Con mời”. Tất nhiên, một lúc sau đó, 2 bố con đã có 2 cây kem, được mua bằng tiền của cậu con trai, và vui vẻ chuyện trò suốt đường về. Có cho đi mới được nhận lại,
điều này bao gồm cả với tình thương và mọi thứ. Chỉ một hành động nhỏ,
những ông bố luôn có cách dạy cho con những bài học lớn, bài học sẽ đi
theo con suốt cả đời.
-------------------
Tuy thế, những ông bố có những lúc cũng nhận được rất nhiều bài học yêu thương từ chính con cái.
Chuyện
kể rằng, có một ông bố rất mê những loại xe hơi. Ông cố dành dụm và
cuối cùng cũng mua cho mình được 1 chiếc xe. Ông cưng nó lắm, ngày nào
đi về ông cũng cặm cụi lau rửa, chăm sóc xe thật kỹ. Niềm vui của ông
cũng truyền sang cả cậu con trai nhỏ 5 tuổi. Hôm nào cậu cũng hứng thú
cùng phụ bố rửa xe.
Một chiều nọ, người bố về nhà trong dáng vẻ
mệt mỏi sau một ngày làm việc. Ông nói với cậu con trai nhỏ: “Hôm khác
rửa xe con nhé” và vào nhà nghỉ. Tuy nhiên, cậu bé thấy mình rảnh rỗi,
muốn phụ giúp bố nên đề nghị: “để con lau xe cho bố nhé!” và được người
bố đồng ý. Nhưng, không như những lần trước bố đã chuẩn bị mọi
dụng cụ cần thiết, lần này cậu bé không nhìn thấy khăn lau hay những gì
tương tự. Chợt nhớ mẹ vẫn hay dùng miếng chùi để chà xoong nồi mỗi khi
bẩn, cậu nhanh chóng chạy vào bếp lấy, và ra sức chà vào xe.
Một
lúc sau, khi càng chà càng thấy xe bố có nhiều vệt xước lau mãi không
sạch, cậu bé bắt đầu hoảng hốt, chạy vào nhà vừa khóc vừa gọi bố: “Bố
ơi, con xin lỗi bố, bố mau ra xem đi ạ!” “Ôi xe của ta!” vừa nhìn
thấy chiếc xe, người bố đã ngẩn ngơ ôm đầu, cảm thấy rất tức giận. Ông
quay sang cậu bé định trút giận, thì thấy cậu con trai nước mắt đầm đìa,
nhìn bố sợ hãi.
Bỗng đâu một ánh sáng vụt qua, người bố tĩnh tâm
lại, đi về phía cậu con đang đứng nép vào cửa, sợ hãi. Ông bế cậu bé lên
và nói: “Cảm ơn con trai nhé! Cảm ơn con đã lau hộ xe cho bố! Bố yêu
con còn hơn cả chiếc xe này!”
Quy tắc 90/10 - nếu bạn còn nhớ - Sự việc xảy ra chỉ chiếm 10%, 90% còn lại là do con
người. Nếu người bố trong lúc mất bình tĩnh đã trút giận lên cậu bé,
mọi chuyện đã khác. Cậu bé sẽ luôn ám ảnh sợ hãi, có khi, câu chuyện còn
có kết cục rất bi đát, và cái xe vẫn không thể cứu vãn, nó vẫn đã bị
xước rồi.
Nhờ cách xử sự của ông bố, cái xe vẫn phải đi sửa, nhưng
cậu bé lại cảm nhận được tình yêu từ người bố, cậu sẽ vẫn sống trong
vui vẻ, và lần sau vẫn sẽ tự tin phụ bố rửa xe mỗi ngày. Ông bố cũng
nhận được bài học từ chính tình yêu thương của con đối với mình.