Chuyện hôm nay kể về người cha – một
doanh nhân giàu có - và đứa con trai nhỏ.
Người cha – doanh nhân giàu có –
từng lớn lên trong một hoàn cảnh khó khăn và cố gắng tạo dựng để có được ngày
hôm nay. Ông lo ngại cậu con trai nhỏ từ bé đã được sống đủ đầy không hiểu được
bản chất cuộc sống, không cảm nhận được cảnh một người nghèo phải sống ra sao.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông quyết
định đưa cậu con trai nhỏ đến một vùng quê hẻo lánh để thằng bé cảm nhận cuộc
sống và thấy cảnh những người nghèo ở đây sống như thế nào. Ở đó, ông gửi cậu
lại gia đình một lão nông và quay về thành phố với công việc của mình.
“Đây là cách để dạy con ta biết quý
trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình” – Người cha thầm nghĩ.
Một tháng sau, đúng hẹn, người cha
đến đón con trở về. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười, hỏi:
– Chuyến đi như thế nào hả con trai?
Con thấy thích nó chứ?
– Thật tuyệt vời bố ạ!
– Con đã thấy người nghèo sống như
thế nào rồi đấy!
– Dạ, vâng ạ.
– Thế con rút ra được điều gì từ
chuyến đi này vậy con yêu?
Đứa bé hào hứng nói:
– Con đã thấy nhà mình nghèo thế nào
thưa cha!
Người cha vô cũng ngạc nhiên nhưng
vẫn bình tĩnh hỏi lại: “Con nói cha nghe nào!”
-Này nhé, nhà mình có mỗi một con
chó, còn họ có bốn con. Nhà mình có một hồ bơi trong sân, họ lại có một con
sông dài bất tận. Chúng ta phải đưa mấy chiếc đèn lồng vào vườn, họ lại có
những ngôi sao lấp lánh ban đêm. Nhà mình có một mảnh đất để sinh sống và họ có
cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải mua thực phẩm với giá cao, còn họ
lại trồng ra những thứ ấy và ăn thoải mái. Nhà ta phải xây tường bảo vệ xung
quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở lẫn nhau…
Người cha nhìn đứa con trai yêu quý,
mỉm cười hạnh phúc.
“Bây giờ con đã biết chúng ta nghèo
như thế nào rồi…” – cậu bé nhẹ nhàng nói.
Rất nhiều khi chúng ta không biết
trân trọng những gì mình đang có và chỉ luôn đòi hỏi những thứ không thuộc về
mình. Có những thứ không có giá trị với người này nhưng lại là sự mong mỏi và
niềm mơ ước của những người khác. Điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận và
đánh giá của mỗi người.
Có một câu danh ngôn khá nổi tiếng:
"Nếu giọt nước rơi xuống hồ, nó sẽ biến mất. Nhưng nếu rơi xuống lá
sen, nó sẽ tỏa sáng như một viên ngọc. Rơi giống nhau nhưng ở cùng ai mới là
điều quan trọng". Do vậy, với mỗi sự việc, nếu có cái nhìn khác
nhau sẽ dẫn đến những kết quả hoàn toàn trái ngược nhau.
Câu chuyện bán giày ở Châu Phi luôn
được đem ra như một bài học nhắc nhở nhân viên cũng là một ví dụ về những góc
nhìn khác nhau. Chuyện về một công ty bán giày nọ, cử một nhân viên đến một
vùng đất mới - một thành phố tại Châu Phi để tìm hiểu thị trường. Vừa đến nơi,
thấy người dân ở đây hầu hết đi chân đất, anh nhân viên vội vã quay về và báo
cáo rằng, vùng đất này không có tiềm năng, dân ở đây không dùng đến giày.
Cũng một doanh nghiệp bán giày khác,
đơn vị này cũng muốn mở rộng địa bàn kinh doanh sang Châu Phi, liền cử một quản
lý nhanh nhẹn đến vùng đó khảo sát. Đến nơi, anh chứng kiến người dân từ những
cô cậu bé đến người lớn hầu như không đi giày. Ngay lập tức anh liên lạc về
công ty, vui mừng báo rằng đây đúng là thị trường tiềm năng, người dân ở đây
hầu như không mua được giày để đi.
Chẳng bao lâu sau, chính anh quản lý
đó được công ty cử đến, quản lý bán hàng và phát triển sản phẩm tại vùng đất
này và công ty anh thu được khoản lợi rất lớn từ đây. Xuất phát điểm có
thể như nhau, nhưng "điểm rơi" khác nhau thì cũng cho những kết quả
kinh doanh khác nhau.
Đừng đánh giá cuộc sống chỉ thông
qua một giai đoạn khó khăn. Cũng đừng bao giờ từ bỏ khi mới bắt đầu. Hãy kiên trì vượt qua giai đoạn khó khăn, chắc chắn những
điều tốt đẹp hơn đang chờ bạn phía trước.
Cũng vậy, trong khó khăn thì thái độ
của mỗi người với vấn đề gặp phải là yếu tố chính quyết định hướng đi và cách
giải quyết vấn đề tiếp theo. Người tích cực luôn nhìn cuộc sống bằng lăng
kính lạc quan, người tiêu cực lại đưa con mắt chán đời, bi quan để nhìn nhận sự
việc.
Thành công của mỗi người luôn phụ
thuộc rất lớn vào thái độ của người đó với mọi vấn đề gặp phải. Hãy xem những khó khăn như những thìa muối đầy, nếu bạn
hòa tan nó trong một bể nước bạn sẽ thấy chẳng đáng là bao, nhưng bạn đổ nó vào
ly nước nhỏ bạn sẽ thấy mặn chát.
Gieo suy nghĩ, gặt hành động – gieo
hành động, gặt thói quen – gieo thói quen, gặt tính cách – gieo tính cách, gặt
số phận - đó là triết lý mà hầu như ai cũng
từng biết tới.
Theo Trí Thức Trẻ